Bệnh Gout tuy không phải là bệnh lý đe dọa ngay tới tính mạng như các bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Nhưng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu như không phát hiện và có phương pháp điều trị hợp lý.
Bệnh Gout ( bệnh gút ) là gì?
Theo wikipedia: “ Bệnh gút còn gọi là thống phong, là một loại viêm khớp thường gặp ở nam giới.”
Phần lớn các bệnh nhân là nam giới ở độ tuổi trung niên và có thói quen uống rượu thường xuyên. Dựa theo tính chất, bệnh chia thành 2 loại:
Bệnh gout cấp tính
Cơn Gout cấp có thể xảy ra đột ngột khiến người bệnh thức giấc lúc nửa đêm với cảm giác như ngón chân bị bỏng.
Bệnh gout mạn tính
Khác với cơn gout cấp tính, gout mạn tính không đau đột ngột mà thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần. Mức độ đau thường nhẹ nhàng hơn. Trong một số trương hợp, con đau có thể tự hết mà không cần sử dụng phương pháp gì để điều trị.
Bệnh Gout ở nữ giới có xu hướng phát triển ở đầu gối, ngón chân, cổ tay và đầu ngón chân. Tuy nhiên, thường xuất hiện ở nhiều khớp chậm hơn so với nam giới.
>> Xem thêm: Cảnh báo triệu chứng bệnh gout ở nữ giới
Bệnh được đặc trưng bởi các cơn đau, sưng đỏ ở các khớp. Đặc biệt là các khớp ngón chân cái.
Bệnh Gout có di truyền không?
Gout là một bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa, do vậy có khả năng di truyền cao. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, trong gia đình có bố mẹ mắc bệnh thì khả năng con cái sẽ mắc bệnh tăng lên 20%.
Nguyên nhân gây bệnh Gout
Thông thường, axit uric hòa tan trong máu, đi qua thận và được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Nhưng đôi khi cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric hoặc thận thải trừ quá ít axit uric. Dẫn tới, axit uric tích tụ và lắng đọng tạo thành các tinh thể urat sắc nhọn như kim trong khớp hoặc mô xung quanh gây đau, viêm và sưng.
Cơ thể tạo ra axit uric khi phân hủy purin. Vì vậy, khi ăn một số thực phẩm chứa nhiều purin như bít tết, thịt, nội tạng động vật, hải sản…sẽ làm tăng nồng độ axit uric. Ngoài ra, một số đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu bia và đồ uống có đường trái cây ( fructose ) cũng thúc đẩy nồng độ axit uric tăng cao hơn.
Dấu hiệu và Triệu chứng của bệnh Gout
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Gout hầu như xảy ra đột ngột vào ban đêm. Bao gồm các triệu chứng như:
- Đau khớp dữ dội. Bệnh Gout thường gây đau các khớp của ngón chân cái, nhưng cũng có thể gây đau ở các khớp khác như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Cơn đau này có thể kéo dài nghiêm trọng trong 4 – 12 giờ.
- Khó chịu kéo dài. Sau khi bệnh cơn đau dữ dội giảm bớt thì bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu ở khớp kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Càng về sau, cơn đau có thể kéo dài hơn và ảnh hưởng tới nhiều khớp hơn.
- Viêm sưng và đỏ tấy. Các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ tấy.
- Hạn chế di chuyển của khớp. Khi bệnh Gout tiến triển, các khớp có thể chuyển động khó khăn hơn và không thể cử động khớp một cách bình thường được.
Nếu bạn bị đau dữ dội, đột ngột ở khớp thì hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bệnh gout không được điều trị có thể dẫn đến đau và tổn thương khớp ngày càng trầm trọng hơn.
Bệnh Gout có nguy hiểm không?
Gout nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Bao gồm:
- Bệnh gout mãn tính có thể tái phát vài lần mỗi năm. Nếu không được điều trị, gout có thể gây mòn và phá hủy khớp.
- Xuất hiện hạt tophi. Bệnh gout không được điều trị gây lắng đọng các tinh thể urat dưới da thành các nốt gọi là tophi (TOE-fie). Hạt tophi có thể phát triển ở ngón tay, bàn tay, bàn chân, khuỷu tay hoặc gân Achilles dọc theo mặt sau của mắt cá chân. Dần dần hạn chế vận động của khớp. Trong trường hợp nếu hạt tophi vỡ sẽ có thể gây nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.
- Sỏi thận. Các tinh thể urat tích tụ trong đường tiết niệu của những bệnh nhân bị gout và gây ra sỏi thận. Sỏi thận làm tăng nguy cơ thận ứ nước dẫn tới tăng huyết áp.
- Ngoài ra, các tinh thể urat này cũng có thể lắng đọng ở dưới da tạo thành các u cục và gây đau, mất thẩm mỹ.
Bệnh Gout sống được bao lâu?
Theo các nhà khoa học, bệnh gout sống được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, sinh hoạt và phương pháp điều trị. Nếu người bệnh chẩn đoán sớm và điều trị kiểm soát tốt lượng axit uric trong máu, cơn gout không tái phát và chuyển sang mãn tính thì có thể yên tâm là bệnh không gây nguy hiểm tới tính mạng.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh gout
Một số xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh gout như:
- Kiểm tra dịch khớp. Bác sĩ sẽ dùng kim để hút dịch từ khớp bị ảnh hưởng bởi gout. Sau đó, soi dưới kính hiển vi để tìm nhìn thấy các tinh thể urat.
- Xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để đo nồng độ axit uric và creatinin trong máu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu có thể bị sai lệch. Một số người có nồng độ axit uric cao, nhưng không bị bệnh gout. Và một số người có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gout, nhưng lại có nồng độ axit uric bình thường trong máu.
- Chụp X-quang. Chụp X-quang khớp có thể được sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm khớp.
- Siêu âm. Siêu âm cơ xương khớp có thể phát hiện tinh thể urat trong khớp hoặc trong đỉnh xương. Kỹ thuật này được sử dụng rất rộng rãi ở Châu Âu.
Bệnh gout có chữa được không?
Y học hiện nay chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm bệnh gout. Các phương pháp thường dùng là sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra, ngăn ngừa biến chứng cơn gout cấp tái phát. Đồng thời kiểm soát chỉ số axit uric, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, người bệnh cần kết hợp việc dùng thuốc cùng chế độ ăn uống hợp lý và các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Phương pháp điều trị. Bệnh gút uống thuốc gì?
Điều trị bệnh gout thường sử dụng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể phẫu thuật để loại bỏ các hạt tophi.
Thuốc được sử dụng để điều trị các cơn gout cấp tính và ngăn ngừa các đợt gout tấn công sau này. Đặc biệt, một số thuốc cũng làm giảm nguy cơ biến chứng do bệnh, chẳng hạn như sự phát triển của hạt tophi.
Hiện nay, người bệnh có thể lựa chọn điều trị bệnh gout bằng thuốc Tây y hoặc thuốc Đông y.
Điều trị bệnh gout bằng thuốc Tây y
Thuốc được sử dụng để điều trị cơn gout cấp tính và phòng ngừa gout tái phát trong tương lai bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Phổ biến nhất là các thuốc như ibuprofen, naproxen sodium, indomethacin, celecoxib. Ban đầu có thể kê đơn liều cao để giảm nhanh cơn gout cấp tính, sau đó duy trì hàng ngày thấp hơn để ngăn ngừa cơn gout cấp tính trong tương lai. Cần cảnh giác với nguy cơ gặp tác dụng phụ do NSAID như gây viêm loét dạ dày.
- Bác sĩ có thể khuyên dùng colchicine. Đây là một loại thuốc có tác dụng giảm đau hiệu quả do bệnh gout. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, đặc biệt nếu dùng với liều lượng lớn.
- Thuốc corticoid. Thuốc corticosteroid như prednisone có thể kiểm soát tình trạng viêm và đau do bệnh gout. Corticosteroid có thể sử dụng ở dạng viên uống, hoặc được tiêm vào khớp của bạn.
Corticosteroid thường được sử dụng ở những người bị bệnh gout không thể dùng NSAID hoặc colchicine. Tác dụng phụ của corticosteroid có thể bao gồm thay đổi tâm trạng, tăng đường huyết và tăng huyết áp.
Thuốc ngăn ngừa biến chứng do gout
Khi tần suất cơn gout cấp xuất hiện nhiều hoặc có dấu hiệu tổn thương do bệnh gout trên phim chụp X – quang khớp, xuất hiện hạt tophi hay mắc bệnh thận mãn tính thì bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân dùng thuốc để giảm mức axit uric của cơ thể. Giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng.
Một số loại thuốc thường dùng bao gồm:
- Thuốc ngăn chặn sản xuất axit uric. Các loại thuốc được này gọi là chất ức chế xanthine oxidase (XOIs), bao gồm allopurinol và febuxostat . Giúp hạn chế lượng axit uric mà cơ thể tạo ra. Từ đó làm giảm nồng độ axit uric trong máu.
- Thuốc cải thiện loại bỏ axit uric. Bao gồm probenecid và lesinurad. Thuốc cải thiện khả năng loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể của thận. Từ đó làm giảm nồng độ axit uric và giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Các tác dụng phụ bao gồm phát ban, đau dạ dày và sỏi thận.
Điều trị bệnh gout bằng thuốc nam
Chữa bệnh gout bằng Đông y hay thuốc nam cũng được nhiều người bệnh quan tâm bởi tính an toàn và hiệu quả. Theo đó, Đông y thường sử dụng các vị thuốc có tính kháng viêm, trừ thấp và thanh phế nhiệt như Tỳ giải, Hoạt thạch, Hoàng bá, Ngưu tất,…để tăng cường thải trừ axit uric trong ổ khớp.
Đồng thời, sử dụng Mộc qua, chuối hột, củ ráy, ý dĩ, mộc thông cũng được sử dụng để giúp giải độc, lợi tiểu, tăng đào thải axit uric.
Bệnh nhân Gout nên kiêng gì? Ăn gì?
Chế độ ăn uống đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị và kiểm soát bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các loại thực phẩm có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.
Bệnh Gout kiêng gì?
- Hạn chế đồ uống có cồn và đồ uống có đường trái cây (fructose). Thay vào đó, hãy uống nhiều đồ uống không cồn, đặc biệt là nước.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, nội tạng đông và hải sản.
Bệnh Gout nên ăn gì?
- Các loại quả chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi, ổi, rau xanh,…
- Quả anh đào. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được anh đào làm giảm nồng độ axit uric.
- Các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt,…
Bệnh Gout và cách phòng tránh
Người bệnh có thể tham khảo sử dụng một số biện pháp để phòng tránh các cơn gout tái phát trong tương lai như:
- Uống nhiều nước. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế uống đồ uống có đường, đặc biệt là đồ uống có hàm lượng fructose cao.
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu. Bia rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng bệnh gout, đặc biệt là ở nam giới.
- Sử dụng Protein từ các sản phẩm sữa ít chất béo. Các sản phẩm sữa ít béo có thể có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh gout, vì vậy đây là những nguồn protein tốt nhất cho người bị gout.
- Hạn chế ăn thịt đỏ, nội tạng động vật và hải sản
- Giữ cân nặng của cơ thể ở mức trung bình. Chọn khẩu phần ăn để duy trì cân nặng hợp lý. Khi giảm cân có thể làm giảm nồng độ axit uric trong cơ thể. Nhưng người bệnh cần tránh nhịn ăn hoặc giảm cân quá nhanh, vì làm như vậy có thể tạm thời làm tăng nồng độ axit uric.
Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh Gout mà Sống khỏe 24h đưa tới cho độc giả. Hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích, giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Chúc bạn đọc sức khỏe!