Tình trạng đau khớp ngón chân có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như ngón chân giữa, ngón chân cái, ngón chân trỏ hay ngón chân út. Vậy, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý gì? Đâu là nguyên nhân gây bệnh? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Đau khớp ngón chân là bệnh gì?
Đau khớp ngón chân là tình trạng ngón chân sưng đỏ, đau nhức. Vị trí đau có thể ở các vị trí khác nhau như ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa và ngón út. Khớp ngón chân là vị trí phải chịu nhiều áp lực của cơ thể và dễ bị tổn thương khi có sự tác động tác nhân gây bệnh.
Đau khớp ngón chân xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó độ tuổi trung niên và cao tuổi. Tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như: Bệnh gout, Thoái hóa khớp, Viêm khớp dạng thấp, Hội chứng De Quervain, teo cơ,… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
Các nguyên nhân gây đau khớp ngón chân
Có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý có thể dẫn tới đau khớp ngón chân. Bạn đọc có thể tìm hiểu về một số nguyên nhân sau:
Bệnh Gout
Bệnh gout là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau khớp ngón chân. Nguyên nhân gây bệnh là do nồng độ axit uric tăng cao, gây lắng đọng các tinh thể urat ở khớp. Các triệu chứng mà người bệnh cảm nhận được rõ ràng nhất là sưng nóng, đỏ tấy, đau nhức ở một hoặc nhiều khớp. Trong đó, phổ biến nhất là khớp ngón chân, cổ chân, khớp bàn tay.
Khi bệnh chuyển sang giai đoạn gout mãn tính, các tinh thể urat lắng đọng quá nhiều có thể hình thành nên các hạt tophi, hạt tophi phát triển to dần thành các u cục xung quanh khớp. Gây cản trở vận động của khớp và khiến người bệnh khó chịu.
>> Xem ngay: Tất cả thông tin cần biết về bệnh Gout
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn. Đây là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể con người khi về già, hoặc cũng có thể do ảnh hưởng của một số tình trạng khác như di truyền, thừa cân, sai tư thế khi vận động,….
Hầu hết các khớp đều có thể bị thoái hóa, trong đó có cả khớp ngón chân. Các dấu hiệu thường gặp như: Đau nhức khớp, có khi đau nhức cả bàn chân, ngón chân cứng lại,…Đặc biệt là triệu chứng đau nhói gót chân vào buổi sáng, đau tăng lên khi khớp vận động hay thay đổi thời tiết và giảm đau khi khớp được nghỉ ngơi. Bệnh càng lâu khiến cho việc vận động, đi lại trở nên khó khăn hơn.
Viêm khớp dạng thấp
Đây là căn bệnh mãn tính, gây viêm kéo dài ở màng hoạt dịch khớp. Bệnh có thể gây viêm ở các khớp ngón chân với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau nhức. Theo thời gian, các khớp ngón chân sẽ cứng dần, thậm chí là biến dạng và mất khả năng vận động.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn hệ thống, tức là cơ thể tự sinh ra các kháng thể tấn công lại chính mình. Bệnh không chỉ gây khó chịu, đau đớn mà còn có khả năng gây ra biến chứng bào mòn khớp xương.
Dây thần kinh bị chèn ép
Ở bàn chân cũng có rất nhiều dây thần kinh. Khi bạn vô tình mang giày chật sẽ khiến cho các dây thần kinh này bị chèn ép và gây ra các cơn đau.
Một hội chứng bệnh lý cũng có thể làm các dây thần kinh chày bị chèn ép và gây đau nhức, đó chính là Hội chứng ống cổ chân hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân .
Dây thần kinh chày đóng vai trò tiếp thu cảm giác và kiểm soát vận động từ cổ chân đến gót chân. Khi bị chèn ép sẽ tạo áp lực gây tổn thương và cơ thể cảm nhận được đau nhức bàn chân. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức bắt đầu từ mu bàn chân, đến gót chân và lan rộng cả lòng bàn chân.
Bệnh thường xảy ra với người lớn trưởng thành, một số ít trường hợp có thể gặp ở trẻ em.
Như vậy, tùy từng nguyên nhân gây đau khớp ngón chân mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Bạn cần sớm đến cơ sở y tế để thăm khám tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, có giải pháp điều trị hợp lý và kịp thời.