Bổ sung sắt cho bà bầu là một việc làm hết sức cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và bé. Đặc biệt, việc thiếu sắt sẽ ảnh hưởng lớn tới thể lực và trí thông minh của trẻ sau này. Vậy, nên bổ sung sắt cho bà bầu từ tháng thứ mấy? Sử dụng loại nào thì tốt? Sử dụng với hàm lượng bao nhiêu là đủ? Đọc ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Tác dụng của sắt đối với thai kỳ
Nhu cầu về sắt tăng cao đối với phụ nữ bước vào thời kỳ mang thai. Bởi sắt là thành phần tạo máu và tham gia quá trình phân chia tế bào. Đặc biệt là tế bào thần kinh của trẻ, không đủ sắt có thể dẫn tới sự phát triển không toàn diện cả về thể chất và trí não của trẻ.
Khi thiếu sắt, việc vận chuyển oxy trong cơ thể mẹ cũng bị ảnh hưởng gây ra tình trạng mệt mỏi, sức đề kháng kém. Làm tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng hậu sản, suy nhược cơ thể…
Theo nghiên cứu, có khoảng 40 – 50 % bà bầu bị thiếu sắt, trong đó 75% trường hợp thiếu sắt dẫn tới thiếu máu ở phụ nữ mang thai. Như vậy, việc bổ sung sắt cho bà bầu đầy đủ trong thai kỳ sẽ giúp mẹ và bé tránh được nguy cơ thiếu máu. Đồng thời, góp phần vào một thai kỳ an toàn và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Bổ sung sắt cho bà bầu từ tháng thứ mấy? Bổ sung bao nhiêu là đủ?
Hầu hết bà bầu đều biết nên bổ sung sắt trong thai kỳ, tuy nhiên, bổ sung sắt từ tháng thứ mấy thì không phải ai cũng hiểu rõ. Việc bổ sung bao nhiêu là đủ sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ.
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, bà bầu nên bổ sung sắt từ trước khi mang thai 1 – 3 tháng và liên tục đến khi mang thai. Giai đoạn này nên bổ sung khoảng 15 mg sắt mỗi ngày.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu cần bổ sung khoảng 27mg sắt mỗi ngày
Giai đoạn mang thai từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 là lúc cần bổ sung nhiều sắt nhất cho sự phát triển của bé. Cần bổ sung từ 30 – 60 mg sắt mỗi ngày tùy vào tình trạng thiếu sắt hay thiếu máu mà mẹ bầu gặp phải lúc này.
Sau sinh bà bầu vẫn cần bổ sung sắt từ 1 – 3 tháng nữa để giúp cân bằng lại lượng sắt trong cơ thể.
Đối với trường hợp bổ sung sắt cho bà bầu thiếu máu:
Đối với bà bầu được xác định thiếu máu do thiếu sắt sẽ được chỉ định bổ sung khoảng 50 – 100mg/ngày. Đặc biệt nhiều trường hợp thiếu máu nghiêm trọng cần phải nhập viện để điều trị bằng truyền tĩnh mạch.
Ăn gì bổ sung sắt cho bà bầu?
Bà bầu có thể bổ sung sắt thông qua 2 nguồn: qua thuốc và qua thực phẩm. Trong đó, thực phẩm luôn là nguồn bổ sung sắt phong phú và an toàn. Mẹ bầu có thể tham khảo bổ sung một số thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ ( thịt bò, thịt bê, thịt cừu,…), tim, gan, cá, thịt gia cầm, các loại rau có lá màu xanh đậm, ngũ cốc, trái cây khô…
Trong đó, cơ thể bà bầu hấp thu được khoảng 10% tổng lượng sắt có trong thực phẩm và hấp thu sắt có nguồn gốc từ động vật tốt hơn sắt có nguồn gốc từ thực vật.
Bên cạnh việc bổ sung sắt từ nguồn thực phẩm thì bà bầu cũng cần bổ sung các thành phần khác giúp tạo máu như acid folic và vitamin B12. Thực tế thì việc bổ sung đủ sắt trong thực phẩm gặp nhiều khó khăn, vì thế ngoài việc ăn các thực phẩm giàu sắt thì mẹ bầu cũng có thể bổ sung các thuốc sắt.
Lưu ý khi sử dụng thuốc bổ sung sắt cho bà bầu
Thuốc sắt cho bà bầu thường có 2 loại: Sắt vô cơ và sắt hữu cơ. Trong đó, Sắt hữu cơ dễ hấp thu và ít gây táo bón hơn sắt vô cơ. Sắt được bào chế dưới dạng viên sắt và sắt nước. Mẹ bầu dễ hấp thu sắt nước, ít gây nóng trong và táo bón hơn, tuy nhiên lại có vị kim loại khó uống, dễ gây buồn nôn hơn so với sắt viên.
Khi bổ sung thuốc sắt, bà bầu cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đối với sắt viên thì uống trước khi ăn, lúc bụng đói và kèm với các nước nhiều vitamin C như nước cam. Còn nước sắt thì uống sau ăn 1 – 2 giờ để giúp cơ thể hấp thu tốt nhất.
- Không uống sắt cùng sữa, trà, cà phê, thuốc bổ sung canxi hay các thực phẩm chứa nhiều canxi. Vì chúng sẽ làm cản trở quá trình hấp thu sắt của cơ thể.
- Nếu uống viên sắt cần uống nhiều nước, ăn những thực phẩm nhiều chất xơ và nhuận tràng để tránh bị táo bón.
Trước khi sử dụng các sản phẩm giúp bổ sung sắt cho bà bầu, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình sử dụng nên tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ, tránh bổ sung quá liều lượng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.